Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Sơ lược về chữ Hán


SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Hán ngữ là một ngôn ngữ thuộc ngữ tộc Hán-Tạng (Sino-Tibetan). Ngữ tộc này còn bao gồm hai nhánh lớn: Tạng-Miến (Tibeto-Burman) và Hán. Ngữ tộc Hán Tạng còn bao gồm các ngôn ngữ Thái và Nê-pal (Nepalese). Còn có một thuyết khác: Hán ngữ là ngôn ngữ độc lập trong đại ngữ tộc Indo-Sinitic. Ngữ tộc này còn bao gồm các ngôn ngữ: Thái, Tây Tạng, Miến Điện (Burmese), Mèo (Miao), Lolo, và các ngôn ngữ nhóm Mon-Khmer.
Tuy Hán ngữ nổi tiếng là một trong các ngôn ngữ cao niên nhất, nhưng chưa ai trả lời được Hán ngữ được bao nhiêu tuổi, vì câu hỏi lớn hơn về nguồn gốc của dân tộc này vẫn chưa giải đáp nổi.
Cứ theo truyền thuyết thì Phục Hi 伏 羲 (một ông vua truyền thuyết) khoảng 3000 năm trước Công Nguyên (= tcn) vì chứng kiến những ký hiệu huyền bí trên lưng con long mã xuất hiện nơi sông Hoàng Hà nên đã truyền một vị đại quan tên là Thương Hiệt 倉頡 tạo ra chữ viết. Cũng theo truyền thuyết, Phục Hi vẽ ra bát quái, coi như tiền thân của chữ viết. Còn Thương Hiệt là hữu sử quan của Hoàng Đế (cũng là ông vua truyền thuyết) chứ không phải của Phục Hi. Lại có một thuyết khác, gọi là «Thương Hiệt tác thư» 倉 頡 作 書 (Thương Hiệt sáng tác chữ viết): Thương Hiệt đã quan sát các hiện tượng thiên nhiên và bắt chước các dấu vết của động vật, cây cỏ, chim chóc, tinh tú mà tạo ra chữ Hán. Thông thường người ta chỉ nhắc đến Thương Hiệt mà bỏ sót Trở Tụng, tả sử quan của Hoàng Đế. Từ điển Từ Hải giảng nơi mục từ Trở Tụng rằng: «Thời của Hoàng Đế, Trở Tụng là quan tả sử, Thương Hiệt là quan hữu sử, cùng tạo ra văn tự; nhưng đời nay nhiều người biết có Thương Hiệt mà ít người biết có Trở Tụng.» (Hoàng Đế thời Trở Tụng vi tả sử, Thương Hiệt vi hữu sử, đồng tác văn tự; đãn kim thế đa tri hữu Thương Hiệt, tiển tri hữu Trở Tụng 黃 帝 時 沮 誦 為 左 史 , 倉 頡 為 右 史 , 同 作 文 字 ; 但 今 世 多 知 有 倉 頡 , 鮮 知 有 沮 誦 ). Từ điển Từ Hải còn trích dẫn Tứ Thể Thư Thế của Vệ Hằng 衛 恆 rằng: «Trở Tụng là sử quan của Hoàng Đế, là người đầu tiên tạo ra thư khế, quản lý vạn sự.» (Trở Tụng, Hoàng Đế sử, thuỷ tác thư khế, kỷ cương vạn sự 沮 誦 , 黃 帝 史 , 始 作 書 契 , 紀 綱 萬 事 ).
Văn tự Trung Quốc là một thành tựu văn hoá quan trọng đến nỗi tương truyền rằng khi hệ văn tự này hoàn thành thì ban đêm thần sầu quỉ khốc, sấm chớp nổi dậy, và ngũ cốc trên trời đổ xuống như mưa. Tất nhiên ngày nay rất hiếm người tin vào điều đó, nhưng sự thần bí hoá thành tựu này chẳng qua là đề cao tính chất quan trọng của nó. Văn tự là thành tựu quan trọng, bởi vì chữ viết và các dụng cụ ghi chép – dao khắc, bút, sơn, mực, lụa, thẻ tre (trúc giản), thẻ gỗ (mộc giản), giấy – đã giúp con người ghi nhớ sự việc trong lao động và sinh hoạt, nhưng quan trọng hơn cả là họ có thể ghi chép được quá khứ của mình cũng như lưu giữ các kiến thức và kinh nghiệm để truyền lại cho hậu nhân. Nhờ đó mà con người có lịch sử thành văn.
download here

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét